14.Tóm tắt nội dung
Báo cáo trình bày những phát hiện chính của “Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019”, tích hợp kết quả nghiên cứu định lượng và định tính về bạo lực cũng như ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra. Với nhận định về nguyên nhân sâu xa của bạo lực là bất bình đẳng giới, báo cáo này đã phân tích những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực cũng như những yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực. Phát hiện của báo cáo là cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách ở cả cấp quốc gia và địa phương, bởi nếu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không được giải quyết ngay lúc này, thì đây sẽ là trở ngại lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Chúng ta phải hành động ngay vì một Việt Nam không còn bạo lực, vì tương lai của Việt Nam mà chúng ta ước vọng. Chúng ta không được để những người phụ nữ, đặc biệt nạn nhân của bạo lực, bị đơn độc trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Những phát hiện của cuộc Điều tra lần thứ hai cho thấy tính phức tạp của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sau 9 năm kể từ Điều tra đầu tiên, tỷ lệ các hình thức bạo lực phổ biến nhất do chồng/bạn tình gây ra đối với phụ nữ ở Việt Nam, theo như phụ nữ chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn, giảm không đáng kể. Bạo lực tình dục dường như lại tăng lên, nhưng cũng có thể do lần này có nhiều phụ nữ chia sẻ cởi mở hơn về vấn đề bạo lực tình dục. Hầu hết phụ nữ Việt Nam vẫn có nguy cơ cao bị một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra. Sự khác biệt về tỷ lệ bạo lực ở một số vùng, miền và bạo lực ở một số dân tộc thiểu số đã được lưu ý. Bạo lực đối với phụ nữ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhân phẩm, sự an toàn của phụ nữ, cản trở sự thăng tiến xã hội và làm giảm năng suất lao động. Mặc dù mức độ phổ biến của bạo lực là khá cao, nhưng bạo lực đối với phụ nữ vẫn ẩn khuất và trầm lắng trong xã hội Việt Nam. Cũng giống như kết quả của Điều tra 9 năm về trước, hầu hết phụ nữ vẫn giữ im lặng hoặc ít tìm kiếm sự giúp đỡ, chủ yếu là do văn hóa cho qua bạo lực và đổ lỗi cho nạn nhân. Điều tra lần này cũng khẳng định rằng bạo lực là một hành vi có tính tiếp thu: chứng kiến hoặc bị bạo lực khi còn nhỏ là một yếu tố nguy cơ cần được quan tâm, bởi sau này người phụ nữ có thể chấp nhận bị bạo lực hoặc nam giới dễ trở thành người gây ra bạo lực khi họ ở tuổi trưởng thành. Do đó cần xác định rõ những hậu quả về tác động có thể có đối với trẻ em như là nạn nhân khi sống trong các hộ gia đình có bạo lực.