14.Tóm tắt nội dung
Là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) năm 1990, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng về mặt phát triển con người và tăng trưởng kinh tế trong suốt 30 năm vừa qua. Được khởi xướng vào năm 1986, cải cách kinh tế - chính trị dưới thời kỳ Đổi mới đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp - chuyển đổi thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực châu Á. Tỷ lệ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 9,8% năm 2017 (1). Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm đáng kể với tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao và ngày càng có thêm nhiều trẻ em được tới trường. Tiến bộ cũng được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực khác như mở rộng tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn. Bên cạnh những bước tiến tích cực, trẻ em Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Những minh chứng toàn cầu cho thấy việc đầu tư vào trẻ em là loại hình đầu tư hiệu quả nhất mà chính phủ có thể thực hiện để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào trẻ em thông qua các chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhân khẩu học sẽ trải qua sự chuyển dịch bắt đầu từ giai đoạn 2025 - 2030. Vì lẽ đó, Việt Nam cần tập trung vào công tác phát triển một nguồn lực lao động khỏe mạnh và có tri thức. Thông qua việc rà soát kỹ càng các chỉ tiêu có liên quan để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), UNICEF đã xác định được những lĩnh vực ưu tiên về trẻ em sau đây cần đầu tư sâu rộng tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.